Xử lý chấn thương mắt ở trẻ
Theo BS Trần Châu Thái- Khoa khám mắt BV Nhi Đồng 1, sắp đến hè, mùa nghỉ ngơi, về quê của học sinh, nên nguy cơ chấn thương mắt cũng tăng theo.
Trẻ con vốn hiếu động, nghịch ngợm nên đôi lúc những trề chơi, đùa vui đã gây nên tai nạn, đặc biệt là vùng mắt. Theo BS Trần Châu Thái - Khoa khám mắt BV Nhi Đồng 1, sắp đến hè, mùa nghỉ ngơi, về quê của học sinh, nên nguy cơ chấn thương mắt cũng tăng theo.
Tai nạn không ngờ
Trong giờ trực nhật, em Trương Nhật D., bảy tuổi, học lớp 2 ở Thủ Đức cùng một bạn nam cầm chổi quét nhà làm “phi tiêu” phóng qua lại. Chẳng may, D. né không kịp nên lãnh nguyên cán chổi vào mắt và một cọng chổi đâm xuyên qua mi mắt trên. D. được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 cấp cứu, may mắn là vết thương chỉ ở ngoài da. Bác sĩ cho bết, nếu cọng chổi chệch 1-2mm là cậu bé sẽ bị vỡ nhãn cầu.
Còn em Hoàng Thùy L. - 14 tuổi, học lớp 8 ở Cà Mau thì trở thành nạn nhân từ trò nghịch của bạn. L. ngồi giữa, trong lúc hai bạn ngồi hai bên đùa giỡn cầm viết dứ qua dứ lại, một bạn bị mất đà, ngã vào người L. và cây viết cắm phập vào hốc mắt của L. sâu đến 6cm. L. nhanh chóng được chuyển lên TP.HCM cấp cứu. BS Trần Châu Thái là người trực tiếp xử lý ca này, ông kể: “Nhìn cây viết ngập sâu trong hốc mắt, chúng tôi sợ tổn thương giác mạc và chạm đến não. Nhưng thật hy hữu, đoạn bút nằm ngoài não và chỉ chạm vào xoang sàn, không ảnh hưởng đến mắt, đến não”.
Không may mắn như hai trường hợp trên, cậu bé Vừ A S., bảy tuổi ở Đăk Nông nghịch ngợm trèo cây thì bất ngờ tuột tay té úp mặt xuống đất, bị cọc nhọn dưới gốc cây đâm xuyên qua mắt phải, máu chảy xối xả. Ngay lập tức gia đình chở S. xuống BV Nhi Đồng 1 cấp cứu. Do nhãn cầu đã vỡ, không thể cứu được, BS đành phải mổ múc bỏ mắt. Hay cậu bé Trần Minh T., năm tuổi, được gia đình cho về nhà ngoại ở Đồng Tháp chơi và bị cò mổ vào mắt trái. Dù được chở đến BV cấp cứu ngay lập tức, nhưng mắt bé đã bị vỡ nhãn cầu phải múc bỏ.
Khi trẻ bị chấn thương mắt, phụ huynh cần nhận diện được bé bị tổn thương dạng nào, nguyên nhân gì để có cách xử trí, sơ cứu phù hợp. Có nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc vì cách xử trí sai lầm của phụ huynh như: xức dầu vô mắt, đè ép băng mắt chặt, dụi mắt bé để ra bụi, lấy dị vật bằng giấy, tóc… vừa có nguy cơ bị nhiễm trùng, vừa đẩy dị vật ghim sâu hơn. Và sai lầm lớn nhất là khi trẻ bị chấn thương mắt do hóa chất mà phụ huynh không sơ cứu, xử lý trước khi chuyển đến BV sẽ làm tổn thương nặng và lan rộng hơn.Sơ cứu đúng cách
Nhận diện và xử lý các chấn thương mắt:
* Chấn thương do va đập gây bầm, sưng mắt: nếu sau chấn thương trẻ không mở mắt được, có dấu hiệu sợ ánh sáng, ra sáng bị chảy nước mắt thì có khả năng bị vỡ bên trong, tổn thương giác mạc. Cách sơ cứu tốt nhất là chườm đá nhẹ nhàng khoảng 15 phút, có thể lặp lại sau hai giờ. Nếu chườm đá trẻ vẫn bị sưng, đau thì nên đến bệnh viện chuyên khoa khám.
* Chấn thương do cát, bụi: dấu hiệu là mắt bị đỏ, cộm, rát. Không được dụi mắt, vì sẽ làm trầy xước, nhiễm trùng. Nên bảo trẻ nhắm mắt, khi đó nước mắt sẽ tự tiết để rửa trôi dị vật. Hoặc dùng cách đơn giản để lấy dị vật như: kéo mi mắt trên trùm mi mắt dưới và lấy lông mi gạt nhẹ thì dị vật rơi ra (với trường hợp bụi, dị vật nằm ở mi trên và làm ngược lại nếu bụi ở mi dưới). Nếu hai cách trên chưa hết, thì dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý rửa mắt trẻ. Cho trẻ nằm ngửa, đầu hơi nghiêng về phía mắt bị tổn thương, mở nhẹ mi mắt rồi nhỏ nước vào hốc mắt cho nước chảy tràn ra làm trôi bụi, dị vật.
(theo phunuonline.com.vn)